//
you're reading...
Tin tức

Dịch vụ logistics Việt Nam: Cần một cuộc cách mạng để “cất cánh”

Cùng với sự phát triển hội nhập sâu của kinh tế Việt Nam vào kinh tế thế giới với hoạt động dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics Việt Nam. Nếu được tổ chức quản lý, điều hành bài bản, khắc phục những hạn chế hiện có, logitics còn được nhận định có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp logistics

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu những chính sách cụ thể để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp logistics trong tiếp cận với công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là trong tiến trình cải cách hiện nay dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Chúng ta phải có được những hệ thống kiểm tra chuyên ngành ngày càng thuận tiện, đơn giản, minh bạch, công khai để không chỉ giúp các DN logistics có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ và phát triển mà còn giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cả nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện ngay những khung khổ pháp luật quan trọng tạo nên nền tảng và điều kiện để phát triển logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN, ví dụ như Luật Cạnh tranh. Đây là bộ luật rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Bộ Công Thương đã báo cáo Quốc hội trong kỳ họp vừa rồi và sẽ tiếp tục xem xét để báo cáo thông qua tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội trong năm sau.

logistics-o-viet-nam-can-cuoc-cach-mang-de-cat-canh

Chi phí cao là một trong những điểm yếu hạn chế sự phát triển của ngành logistics Việt Nam. Ảnh min họa

 

Chi phí khá đắt đỏ

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB): Việt Nam là nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và XK. Bởi vậy, hoạt động logistics và kết nối hiệu quả, tối ưu là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chi phí dịch vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân của khối ASEAN. Riêng về logistics, tính theo tỉ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%. Bên cạnh đó, thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016. Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh.

Đồng quạn điểm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho hay: Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm, song chi phí logistics còn ở mức cao, tương đương 20,8% GDP (các nước phát triển từ 9-14%). Trong khi đó, ngành này chỉ đóng góp khoảng 3% vào GDP.

Yếu kém “tứ bề”

Theo VLA, Việt Nam hiện có có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành dịch vụ logistics, trong đó khoảng 1.300 DN vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa như: Dịch vụ vận chuyển nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, bốc dỡ hàng hóa… Ông Hiệp cho rằng, điểm yếu của các DN Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các DN hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.

Về vấn đề này, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới phân tích sâu hơn: Hiện nay, cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics nghèo nàn và thiếu đồng bộ, hạn chế. Việt Nam đang bị hạn chế về vận tải biển quốc tế, vận tải hàng không quốc tế và các dịch vụ bên ngoài vì thiếu hệ thống chung trên toàn thế giới. “Nhìn chung, ngành dịch vụ logistics ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Hầu hết DN chưa có ý thức trong việc đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng, không có phòng quản lý logistics hoặc chuỗi cung ứng các dịch vụ logistics giá trị gia tăng và nhiều dịch vụ đa dạng”, ông Trí nhấn mạnh.

Làm sao “cất cánh”?

Năm 2017, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam đã đạt con số khá ấn tượng trên 400 tỷ USD. Nền kinh tế cũng đang tăng trưởng khá nhanh và ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Dễ thấy, tiềm năng, dư địa để ngành logistics phát triển còn rất lớn. Trong suốt một thời gian dài, nhận thức và cơ sở pháp lý cho phát triển và quản lý các dịch vụ logistics không ngừng được cải thiện. Mới đây, ngay giữa tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025”. Các chuyên gia nhận định: Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ logistics có kế hoạch hành động quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ xuất nhập khẩu lên một bước mới hiện đại và mở rộng. Trong đó, điểm đột phá đáng ghi nhận trong chỉ đạo và quản lý nhà nước là đã có sự phân công 60 đầu nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện cơ sở luật pháp, thể chế, hạ tầng, nâng cao năng lực DN, chất lượng dịch vụ và phát triển thị trường logistics… cho các cấp và đơn vị liên quan để triển khai kế hoạch hành động với tính quyết liệt, cụ thể, có đầu mối và thời hạn rõ ràng.

Một số quan điểm cho rằng, không chỉ phát triển lên một bước mới, logistics hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam nếu Chính phủ xác định, xem đây như ngành kinh tế mũi nhọn nhằm quản lý tập trung thông qua một đơn vị duy nhất. Đây là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã làm. Liên quan tới vấn đề này, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí nhấn mạnh, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, Ủy ban Tạo thuận lợi hóa thương mại Quốc gia nên có thêm chức năng quản lý và điều phối về mặt logistics và đóng vai trò “nhạc trưởng” chỉ đạo chung quá trình triển khai kế hoạch hành động. Đi sâu phân tích yếu tố làm sao nâng chất lượng, hạ giá thành trong ngành logistics, ông Trí cho rằng: Không chỉ phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics trong nước mà còn cần phải giảm được các chi phí liên quan đến các khai báo thủ tục hải quan, chi phí dịch vụ vận chuyển nội địa trong nước, chi phí vận tải quốc tế, chi phí thuê kho bãi…, trong đó có thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cả những chi phí không chính thức.

Xoay quanh câu chuyện phát triển ngành logistics Việt Nam, ông Ousmane Dione góp ý thêm: Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp để bổ sung cho việc tăng cường đáng kể đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Trong đó, trước hết Việt Nam phải tăng cường kết nối. Mặc dù Việt Nam có những nỗ lực lớn trong đầu tư công vào hệ thống giao thông, song hạ tầng có liên quan đến thương mại chưa bắt kịp được với mức độ tăng trưởng xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng về lưu lượng hàng hóa. Đầu tư của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu vào đường bộ hơn là các loại hình vận tải đa phương thức khác. “Việt Nam nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công. Chuyển dịch sang khu vực tư nhân và thiết lập ưu tiên rõ ràng cho đầu tư thiết yếu là chìa khóa để có kết nối tốt hơn”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025”, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước, đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực; hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các DN dịch vụ xuất nhập khẩu logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.

Có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; nâng cao năng lực DN và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực và các nhiệm vụ khác.

>>Dịch vụ vận chuyển nội địa

Nguồn internet

Discussion

No comments yet.

Leave a comment